• goldenblitz creative

Chủ nghĩa Vị lai và nỗi ám ảnh với tốc độ và công nghệ

Chủ nghĩa vị lai là một trào lưu nghệ thuật tiên phong gây nhiều tranh cãi của thế kỷ 20. Nó tán dương tình yêu chóng vánh, bạo lực, máy móc, sự khinh miệt phụ nữ và thậm chí là chủ nghĩa phát xít. Nó coi chiến tranh như một cách thức để thanh lọc thế giới. Cùng với Chủ nghĩa siêu thực, trào lưu này được biết đến với nhiều mâu thuẫn, xung đột bên trong.


Tác phẩm "Unique Forms of Continuity in Space", Umberto Boccioni. 1913 - Blitz Creatives
Tác phẩm "Unique Forms of Continuity in Space", Umberto Boccioni. 1913 - Blitz Creatives

Chủ nghĩa Vị lai hay trường phái Vị lai (tiếng Anh: Futurism, tiếng Pháp: Futurisme) là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu vào thế kỷ 20, khởi nguồn tại Ý bởi một nhóm họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, kiến trúc sư, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp.


Phá bỏ mọi quy tắc, chuẩn mực cứng nhắc của nghệ thuật truyền thống, chủ nghĩa vị lai tán dương thế giới hiện đại, đặc biệt là văn minh đô thị, máy móc và vận tốc. Nhờ vào những bản tuyên ngôn hùng hồn, đẹp đẽ, dồn dập, chủ nghĩa vị lai đã được lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi trên khắp thế giới, và đặc biệt là châu Âu, đạt được những thành công vang dội trước thế chiến Thứ nhất. Các nghệ sĩ vị lai tôn thờ công cuộc công nghiệp hóa với những nhà máy, xí nghiệp, máy móc hiện đại… Đối với họ, quá khứ là một điều gì đó thật đáng xấu hổ. Máy bay và xe hơi xuất hiện nhiều trong tác phẩm của họ, tượng trưng cho tốc độ phát triển tới chóng mặt của thế giới. 

Ngày nay, khi nhắc tới chủ nghĩa vị lai, người ta sẽ nhắc tới tốc độ, bạo lực, và văn hóa trẻ. Unique Forms of Continuity in Space (1913) - tác phẩm điêu khắc bằng đồng của nghệ sĩ điêu khắc Umberto Boccioni là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất hay thậm chí là một tượng đài của trường phái vị lai. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều để khám phá về trào lưu nghệ thuật táo bạo, gây nhiều tranh cãi này. 

Nguồn gốc của Chủ nghĩa Vị lai

Nhóm nghệ sĩ vị lai người Ý Luigi Russolo, Carlo Carrà, Filippo Tommaso Marinetti, Umberto Boccioni và Gino Severini trước "Le Figaro," Paris (09/02/1912) - Blitz Creatives
Nhóm nghệ sĩ vị lai người Ý Luigi Russolo, Carlo Carrà, Filippo Tommaso Marinetti, Umberto Boccioni và Gino Severini trước "Le Figaro," Paris (09/02/1912) - Blitz Creatives

Chủ nghĩa vị lai được sinh ra tại Milan, Ý vào năm 1909 qua Bản tuyên ngôn chủ nghĩa vị lai do nhà thơ Filippo Tommaso Marinetti viết, đăng trên nhật báo La Gazzetta Dello Sport và sau đó là tạp chí Le Figaro vào ngày 20 tháng 2. 

Bản tuyên ngôn đầu tiên này đã dấy lên trong các nghệ sĩ vị lai một sự căm ghét, khinh miệt với quá khứ, "Không một ai trong chúng ta muốn là một phần của nó, quá khứ, nghệ sĩ vị lai là những con người trẻ trung và mạnh mẽ!" Trong bản tuyên ngôn, nhà thơ cũng thể hiện mong muốn biến đất nước Ý cổ kính trở thành một trung tâm văn hóa trẻ. Phải tới năm 1870  nước Ý mới được hoàn toàn thống nhất, lúc bấy giờ, nước Ý vẫn còn chìm đắm trong vầng hào quang của Đế chế La Mã cổ đại và thời kỳ Phục hưng. Đối với các nghệ sĩ vị lai, đó vẫn là chưa đủ.

Trên thực tế, Marinetti thậm chí còn ví các viện bảo tàng truyền thống tại Ý với các khu nghĩa địa. Không khó để nhận thấy, các nghệ sĩ vị lai có hứng thứ nhiều hơn với nền văn minh công nghiệp của thế kỷ 20 hơn là hội họa và điêu khắc cổ điển. Trong bản tuyên ngôn, họ còn khẳng định rằng loạt phát minh công nghiệp mới hấp dẫn gấp nhiều lần nghệ thuật truyền thống: "Chúng tôi khai thác một vẻ đẹp mới, vẻ đẹp của vận tốc. Một chiếc xe đua môtô còn đẹp hơn đứt Tượng thần chiến thắng Samothrace."

Ngoài ra, bản tuyên ngôn còn ca tụng bạo lực và tầm quan trọng của chiến tranh, nhưng thú vị là lại không hề bàn tới hoặc đưa ra bất cứ quy tắc nào cho nghệ thuật thị giác - được đề cập sau đó trong Bản tuyên ngôn kỹ thuật hội họa vị lai. Trên thực tế, đó chỉ là một trong vô vàn bản tuyên ngôn được viết bởi các họa sĩ vị lai với vô vàn chủ đề từ kiến trúc, tôn giáo cho tới thời trang.

Xoay quanh Marinetti là một nhóm nghệ sĩ vị lai chủ chốt có nhiệm vụ định hình chủ nghĩa vị lai, và cụ thể hơn là mảng nghệ thuật thị giác. Xuất hiện trong nhóm này là nhà soạn nhạc Luigi Russolo cùng với họa sĩ Umberto Boccioni, Carlo Carrà, Giacomo Balla, và Gino Severini.


Tác phẩm "Dynamism of a Cyclist", Umberto Boccioni. 1913 - Blitz Creatives
Tác phẩm "Dynamism of a Cyclist", Umberto Boccioni. 1913 - Blitz Creatives

Đặc điểm của Chủ nghĩa Vị lai

Bởi bản tuyên ngôn đầu tiên không trực tiếp đề cập, phải mất một khoảng thời gian thì bản quy tắc nghệ thuật của chủ nghĩa vị lai mới được hoàn thành. Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa vị lai nằm ở tốc độsự chuyển động

Cụ thể hơn, họ tuân thủ thuyết "động lực vũ trụ", có nghĩa là không một vật thể nào có thể tách ra khỏi phần nền và các vật thể khác. Các tác giả của hai bản tuyên ngôn năm 1910, các họa sĩ của trào lưu Giacomo Balla, Umberto Boccioni, Carlo Carrà, Severini, Luigi Russolo đã mượn kỹ thuật điểm mảng màu của trường phái Ấn tượng mới và trường phái Lập thể để chồng chéo hình thức, nhịp điệu, màu sắc và ánh sáng, qua đó thể hiện một "cảm giác động" và tính đồng thời của các trạng thái tâm hồn, cấu trúc phức tạp của thế giới.

Đặc điểm này được thể hiện rõ nét nhất qua tác phẩm Dynamism of a Dog on a Leash của  danh họa Giacomo Balla. Trong đó, chuyển động của nhân vật chính là con chó được khắc họa qua đôi chân của cả con chó và người chủ. Những khung cảnh tương tự tại chốn đô thị là chủ đề phổ biến trong các tác phẩm của nghệ thuật vị lai.


Tác phẩm "Dynamism of a Dog on a Leash", Giacomo Balla. 1912 - Blitz Creatives
Tác phẩm "Dynamism of a Dog on a Leash", Giacomo Balla. 1912 - Blitz Creatives

Họa sĩ Umberto Boccioni đã giải thích các nguyên tắc của chủ nghĩa vị lai bằng cách so sánh nó với một trào lưu nghệ thuật hiện đại khác - trường phái Ấn tượng. "Trong khi các họa sĩ ấn tượng tập trung lột tả một khoảnh khắc cụ thể và phụ thuộc vào khoảnh khắc đó thì chúng tôi tổng hợp mọi yếu tố (địa điểm, thời gian, hình thái, màu sắc)"

Các nghệ sĩ vị lai cũng chịu ảnh hưởng lớn từ trường phái Lập thể, lần đầu được phổ biến với nhóm bởi Gino Severini. Severini lần đầu tiếp xúc với phong cách này trong một chuyến tham quan Paris, Pháp ấn tượng bởi các tác phẩm sử dụng mảng màu đứt quãng và nét vẽ ngắn. Nhóm họa sĩ vị lai ngay sau đó đã áp dụng kỹ thuật này để khắc họa một cách ấn tượng các chủ đề từ người đạp xe, các vũ công, hay là những công trình thi công trong thành phố.

Tiêu biểu nhất phải kể đến tác phẩm điêu khắc bằng đồng Unique Forms of Continuity in Space. Nó biểu tượng cho động lực và sự trôi chảy. Một sự thật ít ai ngờ là phiên bản gốc của bức tượng thực chất không được đúc từ đồng mà thay vào đó là thạch cao, hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng đương đại São Paulo. Đến năm 1931, người ta mới tiến hành sao bản bức tượng thạch cao thành các phiên bản bằng đồng, và một trong những phiên bản đó được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở thành phố New York, Mỹ.

Tác phẩm "Dynamic Hieroglyphic of the Bal Tabarin", Gino Severini. 1912 - Blitz Creatives
Tác phẩm "Dynamic Hieroglyphic of the Bal Tabarin", Gino Severini. 1912 - Blitz Creatives

Sự suy yếu và Di sản của Chủ nghĩa Vị lai

Tác phẩm "Brooklyn Bridge", Joseph Stella. 1919-1920 - Blitz Creatives
Tác phẩm "Brooklyn Bridge", Joseph Stella. 1919-1920 - Blitz Creatives

Thế chiến thứ nhất nổ ra đã báo hiệu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa vị lai. Trên thực tế trong suốt thế chiến, Boccioni chỉ thực hiện duy nhất một tác phẩm được phác thảo trong quân ngũ. Sự ra đi của Boccioni vào năm 1916 đã để lại một khoảng trống về mặt nghệ thuật và lý luận trong thuyết vị lai hậu thế chiến. 

Hậu chiến tranh, Marinetti cố gắng vựng dậy chủ nghĩa vị lai. Giai đoạn này được gọi với cái tên "Vị lai thứ hai" - và thường được liên hệ với chủ nghĩa phát xít. Tương tự các nhà phát xít khác, nghệ sĩ vị lai cho rằng nước Ý được tách thành hai phần riêng biệt: phía Bắc gắn liền với công nghiệp hóa và phía Nam gắn liền với công nghiệp, và mong muốn được hợp nhất hai miền.

Sau khi Thế chiến Thứ nhất kết thúc, các họa sĩ vị lai đã có sự chuyển hướng rõ rệt. Cụ thể hơn, máy bay trở thành một chủ đề phổ biến trong thập niên 20. Nó kết hợp giữa tình yêu bay lượn với khung cảnh trên không và thường được sử dụng phục vụ mục đích tuyên truyền. Không bị giới hạn về khung cảnh. Tranh vẽ máy bay còn phổ biến cho tới năm 1940. 

Cái chết của Marinetti vào năm 1944 chính thức đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa vị lai. Tuy nhiên, nó vẫn còn ảnh hưởng lớn tới các trào lưu nghệ thuật sau này của thế kỷ 20 bao gồm trường phái Dada, chủ nghĩa Siêu thực, và Art-Deco - một trường phái nghệ thuật và trang trí mang tính chiết trung. 


Tác phẩm "Speeding Motorboat", Benedetta Cappa. 1923 - Blitz Creatives
Tác phẩm "Speeding Motorboat", Benedetta Cappa. 1923 - Blitz Creatives

11 lượt xem0 bình luận